Lạm dụng cảm xúc, đôi khi được gọi là lạm dụng tâm lý hay bạo lực tinh thần, là một kiểu hành vi gây tổn hại đến nhận thức của trẻ về giá trị bản thân cũng như tác động tiêu cực đến sự phát triển cảm xúc của chúng. Ngoài việc từ chối tình yêu và sự hỗ trợ, người lạm dụng cảm xúc trẻ cũng có thể từ chối, chỉ trích, đe dọa và mắng mỏ trẻ. Họ cũng có thể làm nhục đứa trẻ và xúc phạm chúng. Lạm dụng cảm xúc có thể xảy ra cùng với lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục hoặc bỏ mặc và là một trong những hình thức lạm dụng khó nhận biết nhất. Thông thường, kiểu lạm dụng này rất tinh vi, dần dần làm xói mòn lòng tự trọng cũng như cảm giác an toàn và những gì thuộc về trẻ. 

Giống như các hình thức lạm dụng khác, lạm dụng cảm xúc trẻ em gắn chặt với sự ưu thế về quyền lực và sự kiểm soát. Người lạm dụng thao túng đứa trẻ bằng cách sử dụng những lời nói và hành động gây tổn thương và tổn hại về mặt tinh thần. Việc bị lạm dụng cảm xúc có liên quan đến những hậu quả tàn khốc lâu dài, bao gồm gia tăng tỷ lệ bệnh tật và rối loạn sức khỏe tâm thần.

Lạm dụng cảm xúc trẻ em là gì?

Lạm dụng cảm xúc trẻ em là một cách để kiểm soát trẻ bằng việc sử dụng cảm xúc cá nhân của người lạm dụng nhằm chỉ trích, đổ lỗi hoặc thao túng trẻ em, gây cho trẻ em cảm giác xấu hổ và tiêu cực. Tóm lại, mối quan hệ được gọi là lạm dụng cảm xúc khi và chỉ khi xuất hiện những lời lẽ lăng mạ và hành vi bắt nạt thường xuyên làm suy giảm lòng tự trọng của trẻ và làm suy yếu sức khỏe tinh thần của họ.

Dấu hiệu lạm dụng cảm xúc trẻ em

Lạm dụng cảm xúc có thể khó phát hiện hơn các hình thức lạm dụng trẻ em khác. Thông thường, nó diễn ra trong phạm vi gia đình đứa trẻ, thường không có nhân chứng bên ngoài. Có thể không có bất kỳ dấu hiệu bên ngoài rõ ràng nào cho thấy việc lạm dụng đang diễn ra (như trường hợp lạm dụng thể chất). Đôi khi, hành vi của trẻ là điều duy nhất cho thấy ở trẻ có vấn đề về lạm dụng cảm xúc. Các hành vi không phù hợp về mặt phát triển có thể là dấu hiệu của sự lạm dụng, chẳng hạn như hành động quá non nớt hoặc quá trưởng thành so với lứa tuổi của chúng. Hay đôi khi, nó được thể hiện ở những thay đổi đột ngột nghiêm trọng trong hành vi, ví dụ, một đứa trẻ từng tự tin và không tìm kiếm thêm bất kỳ sự chú ý nào từ người khác đột nhiên trở nên bám dính những người lớn mà trẻ cảm thấy an toàn, thoải mái. Ngoài ra, trẻ có thể bắt đầu cư xử không bình thường hoặc gặp rắc rối về mặt xã hội hoặc học tập.

Các hành vi có thể là dấu hiệu của lạm dụng cảm xúc bao gồm:

  • Lo lắng, trầm cảm hoặc trốn tránh 

  • Thành tích học tập giảm sút 

  • Phát triển cảm xúc chậm 

  • Mong muốn làm tổn thương bản thân hoặc người khác 

  • Tuyệt vọng, tìm kiếm cảm xúc từ người lớn khác 

  • Suy thoái phát triển (ví dụ, đái dầm) 

  • Thường xuyên phàn nàn về các triệu chứng cơ thể như đau đầu, đau bụng hoặc các triệu chứng cơ thể khác không rõ nguyên nhân 

  • Mất hứng thú với các hoạt động xã hội hoặc các sở thích khác 

  • Lòng tự trọng thấp 

Bạn có thể cho rằng một đứa trẻ bị lạm dụng sẽ không gắn bó với người chăm sóc là người lớn đang lạm dụng chúng, nhưng không hẳn. Trẻ em thường vẫn trung thành với người lạm dụng chúng. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái rất phức tạp và trẻ em thường muốn được cha mẹ chấp thuận và yêu thương, ngay cả khi người chăm sóc chúng là những kẻ bạo hành.

Ngoài ra, chúng có thể lo sợ điều gì sẽ xảy ra nếu tiết lộ việc lạm dụng. Trẻ cũng có thể không nói cho ai biết về việc bị lạm dụng vì trẻ tin rằng trải nghiệm của chúng thể hiện hành vi bình thường trong gia đình. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể cảm thấy xấu hổ hoặc cho rằng đó là lỗi của mình.

Đặc điểm của người lạm dụng cảm xúc 

Mặc dù khó xác định xem ai là kẻ lạm dụng cảm xúc nhưng có những dấu hiệu tiềm ẩn có thể cho thấy người lớn đang lạm dụng cảm xúc trẻ em. Coi thường trẻ ở nơi công cộng, công khai thừa nhận không thích hoặc ghét trẻ, áp dụng các hình phạt nghiêm khắc, có những kỳ vọng không thực tế và xa cách hoặc thờ ơ về mặt cảm xúc là loạt hành vi lạm dụng cảm xúc. Một số người lạm dụng cảm xúc trẻ em có tiền sử bạo lực và gây hấn hoặc rối loạn sử dụng chất gây nghiện. 

Tuy nhiên, nếu bạn tin rằng một đứa trẻ đang bị lạm dụng cảm xúc, đừng nghiễm nhiên cho rằng việc lạm dụng cảm xúc là do cha mẹ của đứa trẻ gây ra. Mặc dù một đứa trẻ có nhiều khả năng bị người chăm sóc hoặc thành viên gia đình lạm dụng, nhưng những người lớn khác xung quanh trẻ cũng có thể là kẻ ngược đãi trẻ. Ví dụ, huấn luyện viên, nhân viên giữ trẻ, giáo viên, hoặc thậm chí anh chị em đều có thể lạm dụng đứa trẻ.

Các loại lạm dụng cảm xúc trẻ em

Lạm dụng cảm xúc trẻ em có thể có nhiều hình thức. Đó có thể là những lời lẽ hoặc hành động lăng mạ, coi thường, nhưng cũng có thể là sự thờ ơ và bỏ bê hoàn toàn. Khi cha mẹ hoặc người chăm sóc không thể hiện tình yêu thương với trẻ hoặc không khiến chúng cảm thấy an toàn và xứng đáng, những hành động này sẽ dẫn đến sự thiếu thốn về mặt cảm xúc. Những người lạm dụng cũng có thể từ chối các gắn kết tình cảm thông qua tiếp xúc vật lý (ví dụ: không ôm ấp, từ chối cái thơm của con). Nên nhớ rằng bất kỳ ai trong cuộc đời của trẻ đều có thể trở thành kẻ bạo hành về mặt cảm xúc và có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Ví dụ, người giữ trẻ liên tục la hét và đe dọa trẻ, hoặc cha mẹ nói rằng họ ước gì đứa trẻ không tồn tại, hoặc giáo viên chế nhạo đứa trẻ trước mặt các bạn. 

Các yếu tố dẫn đến lạm dụng cảm xúc 

Trải qua lạm dụng cảm xúc khi còn nhỏ làm tăng nguy cơ một người có thể trở thành kẻ lạm dụng cảm xúc đối với một đứa trẻ trong tương lai. Các yếu tố nguy cơ bao gồm sự cô lập về mặt xã hội hoặc sự chia tách khỏi đại gia đình, mắc bệnh về thể chất hoặc tinh thần như: rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), trầm cảm, sử dụng ma túy hoặc rượu, hoặc đang phải đối mặt với căng thẳng tài chính, thất nghiệp hoặc nghèo đói. 

Các yếu tố nguy cơ khác có thể bao gồm khủng hoảng gia đình hoặc căng thẳng trong gia đình cũng có thể trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình hoặc có xung đột trong hôn nhân; cảm thấy ghen tị, tức giận hoặc oán giận đối với đứa trẻ hoặc thiếu trách nhiệm chăm sóc trẻ; thiếu kỹ năng nuôi dạy con cái hoặc thiếu hiểu biết về sự phát triển của trẻ; hoặc nuôi dạy một đứa trẻ bị khuyết tật về phát triển hoặc thể chất. 

Tất nhiên, không phải tất cả những người trong những tình huống này đều bị bạo hành về mặt cảm xúc. Và trẻ em cũng không phải là nguyên nhân khiến người khác bị bạo hành về mặt cảm xúc. Lạm dụng cảm xúc trẻ em là một lựa chọn. Mặc dù những yếu tố rủi ro này có thể làm tăng khả năng xảy ra lạm dụng, nhưng người bị bạo hành về mặt cảm xúc vẫn có quyền tự quyết và có thể học cách đưa ra những lựa chọn tốt hơn, ít gây tổn hại hơn để quyết định xem có hay không thực hiện các hành vi lạm dụng cảm xúc người khác, mà cụ thể là đối với trẻ em.

Ảnh minh hoạ

Ảnh hưởng của lạm dụng cảm xúc 

Các vấn đề về gắn bó 

Lạm dụng cảm xúc có thể cản trở khả năng của trẻ trong việc hình thành và duy trì những gắn bó lành mạnh. Các vấn đề về sự gắn bó trong thời thơ ấu có liên quan đến sự gắn bó không an toàn ở tuổi trưởng thành. Trẻ em cũng có thể có nguy cơ cao thiết lập mối quan hệ kém chất lượng với bạn bè, gặp khó khăn trong việc thân mật, khó giải quyết xung đột và gây hấn trong các mối quan hệ.

Các vấn đề về hành vi và xã hội

Lạm dụng cảm xúc ở thời thơ ấu cũng có liên quan đến hành vi phạm pháp và hung hăng về tình dục ở lứa tuổi thanh niên. Các vấn đề ở trường và với bạn bè đồng trang lứa cũng phổ biến hơn ở những đứa trẻ bị lạm dụng cảm xúc.

Vòng lặp của sự lạm dụng 

Nếu không có sự can thiệp thích hợp, những người từng bị lạm dụng khi còn nhỏ có nhiều khả năng lạm dụng con mình hơn những người chưa từng bị lạm dụng. Ngăn chặn hành vi lạm dụng và giúp trẻ đối phó và xử lý những tổn thương mà chúng đã trải qua có thể làm giảm khả năng vòng lặp lạm dụng tiếp tục xảy ra với thế hệ tiếp theo.

Tự tử và Bệnh tâm thần 

Thanh thiếu niên từng bị lạm dụng cảm xúc khi còn nhỏ có nhiều khả năng được chẩn đoán mắc ít nhất một chứng bệnh tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm hoặc lo âu, có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Những người có tiền sử bị lạm dụng cảm xúc cũng có nguy cơ tự hại cao hơn, bao gồm cả ý định tự tử.

Tác động tiêu cực tới xã hội 

Lạm dụng cảm xúc không chỉ có tác động tiêu cực đến cá nhân và gia đình; nó cũng gây căng thẳng cho toàn xã hội. Hậu quả của việc lạm dụng tạo gánh nặng cho hệ thống y tế và chăm sóc xã hội, đồng thời gây tốn kém vì thất bại trong giáo dục, tội phạm và nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần gia tăng. Tuy nhiên, không phải ai có tiền sử lạm dụng cảm xúc đều phải trải qua những vết sẹo suốt đời. Thời gian, mức độ nghiêm trọng và độ tuổi bắt đầu bị lạm dụng cũng như kỹ năng ứng phó của cá nhân và nguồn lực hỗ trợ dành cho trẻ là những yếu tố ảnh hưởng. Ví dụ, việc có những người lớn hỗ trợ khác trong cuộc sống của các em cũng có thể bù đắp tác động do lạm dụng cảm xúc gây nên.. 

Điều trị cho nạn nhân bị lạm dụng cảm xúc 

Nếu một đứa trẻ đang bị lạm dụng cảm xúc, hành động đầu tiên là đảm bảo an toàn cho trẻ. Sau đó, có thể tiến hành điều trị cho trẻ. Người lạm dụng cảm xúc trẻ cũng có thể cần được điều trị - đặc biệt nếu họ là cha mẹ của trẻ. Ví dụ, về can thiệp cho người lạm dụng cảm xúc có thể được tiến hành dưới dạng trị liệu cá nhân, các lớp nuôi dạy con cái và các dịch vụ xã hội. Những người từng bị lạm dụng cảm xúc thường được hưởng lợi từ việc trị liệu với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Một khi đã xử lý được những gì họ đã trải qua về mặt cảm xúc, họ có thể bắt đầu quá trình chữa lành và học các cơ chế đối phó lành mạnh, các kỹ năng xã hội và cách giải quyết xung đột trong các mối quan hệ xã hội. 

Ứng phó với hành vi lạm dụng cảm xúc 

Mặc dù việc đối phó với những ảnh hưởng của việc lạm dụng cảm xúc có thể mất một thời gian, nhưng có một số yếu tố có thể có tác dụng bảo vệ, chẳng hạn như có mối quan hệ tích cực với một người lớn khác. Ví dụ, cha mẹ nuôi dưỡng, ông bà hoặc sự hỗ trợ của giáo viên có thể giảm nhẹ một số tác động tiêu cực của việc lạm dụng cảm xúc tới trẻ.

Dành thời gian cho trẻ, động viên trẻ và nhắc nhở trẻ về giá trị của chúng, giúp trẻ cảm thấy rằng trẻ không bị phụ thuộc bởi lời nói và hành động của người lạm dụng chúng chính là việc cần làm để giúp đỡ một đứa trẻ bị lạm dụng cảm xúc. Ngoài ra, hãy trao quyền cho họ để họ nhìn thấy điểm mạnh của mình và đặt ra mục tiêu cho tương lai.

Nguồn: https://www.verywellfamily.com/what-is-emotional-child-abuse-4157502