“Anh cứ bình tĩnh, hết sức bình tĩnh…” là câu nói có lẽ thường thấy của nhiều y bác sĩ khi bắt gặp trường hợp bệnh nhân hoảng loạn, lo lắng. Tuy nhiên, sự thật là câu nói này chưa mang tới hiệu quả tốt nhất. Bởi khi bệnh nhân đang mang tâm trạng hoang mang, hoảng sợ, điều họ cần là ai đó có thể lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của họ lúc đó.

Khi con người đối mặt với đau buồn và mất mát, đặc biệt là nam giới, sẽ thường ngần ngại chia sẻ cảm xúc của mình. Điều này khiến căng thẳng tích tụ và chỉ được bộc lộ khi gặp khủng hoảng. Việc thấu cảm chưa tới cộng thêm kết nối với bệnh nhân không “chạm” được tới họ có thể để lại nhiều hệ quả cho cả bệnh nhân và người chăm sóc.

Một số nghiên cứu tại Việt Nam về mức độ stress nghề nghiệp của bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên điều dưỡng tại các bệnh viện cho thấy: 12,9% bác sĩ có biểu hiện stress ở mức độ cao; 45,2% nhân viên điều dưỡng có biểu hiện stress ở mức cao; 48,6% nhân viên y tế có biểu hiện stress. Vì vậy, kỹ năng giao tiếp tạo động lực vô cùng cần thiết đối với các y bác sĩ.

Hiểu rõ điều đó, khoa Nam học và Y học Giới tính (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) tổ chức chương trình “Cập nhật những tiến bộ trong Nam học và Y học Giới tính - Lần thứ 6” diễn ra từ 3/11 - 5/11. 

Toàn cảnh buổi tập huấn

Theo chuyên gia Đỗ Trang (Trung tâm Tham vấn Tâm lý và Giáo dục Sunrise), để tạo động lực cho bệnh nhân, người chăm sóc cần xác định các vấn đề sức khỏe của người bệnh nam giới đến khám, từ đó áp dụng các nguyên tắc chung trong giao tiếp như: Tạo môi trường giao tiếp thân thiện, cởi mở; đặt câu hỏi đúng kỹ thuật, có giá trị; thể hiện sự tôn trọng và đồng cảm với người bệnh; khích lệ người bệnh chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ; trả lời các câu hỏi của người bệnh một cách rõ ràng, dễ hiểu. 

Ngoài ra, người chăm sóc cũng cần trang bị các kỹ năng cụ thể như: Giao tiếp cơ bản: nói, lắng nghe, đặt câu hỏi.; thể hiện thái độ tích cực, tôn trọng và đồng cảm với người bệnh; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ; tóm tắt thông tin một cách rõ ràng; kiểm tra thông tin để đảm bảo người bệnh hiểu đúng. 

Trong khuôn khổ chương trình có buổi tập huấn với chủ đề "Kỹ năng giao tiếp truyền năng lượng tích cực cho người bệnh trong Y học Giới tính" đã nhận được sự quan tâm của nhiều y, bác sĩ đầu ngành tham dự cả trực tiếp lẫn trực tuyến.

Một số hình ảnh tại buổi tập huấn:

Trung tâm Tham vấn Tâm lý và Giáo dục Sunrise hiện đang là đơn vị vận hành trực tiếp nhiều hệ thống phòng tham vấn học đường, trong đó có hệ thống trường Marie Curie Hà Nội; trường THCS Nam Từ Liêm; trường THCS Lê Quý Đôn; trường THCS Ngô Sĩ Liên, trường THCS Nguyễn Trường Tộ,...Ngoài ra, Trung tâm phấn đấu trở thành trung tâm tiếp nhận và đào tạo thực hành Tâm lý có giám sát uy tín, chất lượng trong tương lai.